Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

VỊ TRÍ TRÍ THỨC TRONG XÃ HỘI

- Bài 1: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính

- Bài 2: Xử lý trí thức - đảng viên sai phạm không phải là kỳ thị cả đội ngũ

Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo:

Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính

Trí thức là những người đặc biệt trong xã hội. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ họ có tư duy, hiểu biết, kiến thức hơn người, có khả năng tìm ra những phát minh, sáng chế, sáng kiến góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ và làm giàu của cải vật chất, văn hóa, tinh thần cho xã hội. Nói đến trí thức là nói đến phẩm chất lao động sáng tạo.

Không có tính sáng tạo thì khó có thể gọi là trí thức. Tuy nhiên, một trí thức chân chính, ngoài phẩm chất say mê lao động sáng tạo, thì còn phải có lòng tự trọng, đồng thời phải biết đồng hành, gắn bó thủy chung với cộng đồng, dân tộc, đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành.

Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung, gây bất lợi cho ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm rất nghiêm trọng của một trí thức, đó là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo thông tin của cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 2005 đến 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm. Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm này là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”-như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ông Chu Hảo phải bị thi hành kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vì ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nên cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã rất thận trọng trong xử lý, xem xét toàn diện ở mọi khía cạnh rồi mới thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tất nhiên, phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn. Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Qua sự việc này, chúng ta mới thấy không phải cứ là trí thức thì sẽ được mọi người vị nể, trọng vọng. Tài năng đến mấy nhưng không mang tài năng ấy ra phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, mà lại lợi dụng khả năng, vị thế công tác của mình để làm phương hại đến sự nghiệp chung, tác động xấu đến dư luận xã hội, niềm tin trong nhân dân, thì rất đáng phê phán. Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như: Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…

Trí thức trước hết là một công dân, nên phải có ý thức, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội như bao công dân khác. Trong xã hội pháp quyền lại càng đòi hỏi mọi công dân có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đối với trí thức là đảng viên thì còn phải chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Không những vậy, người trí thức-đảng viên chân chính còn phải tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.

 Là người lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội phát triển. Bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế, vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Một mặt, Đảng ta khẳng định, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội; mặt khác cũng mong muốn đội ngũ trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bầu không khí tự do vừa là bệ đỡ, vừa là động lực nuôi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tài năng sáng tạo cho trí thức. Nhưng cần hiểu tự do ở đây không phải là tự do vô giới hạn, mà là tự do có giới hạn và giới hạn đó không gì khác chính là ranh giới cần thiết để phòng ngừa những lệch lạc có thể làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của trí thức và tác động không thuận đến sự ổn định, phát triển lành mạnh của xã hội, đất nước. Nói như một nhà văn, đối với trí thức và văn nghệ sĩ chân chính, không có tự do nào tuyệt đối bằng tự do tuyệt đối phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân. Khi tâm huyết, tài năng của mình được thể hiện tự do trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, tình yêu dân tộc thì nhất định công trình, tác phẩm của trí thức, văn nghệ sĩ sẽ được xã hội công nhận và đi vào lòng công chúng. Nếu không nhận thức thấu đáo vấn đề này, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ đi chệch khỏi "đường ray" cuộc sống và dễ bị đào thải.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, một khi trí thức giàu lòng tự trọng, trách nhiệm, tâm huyết với nhân dân, với Tổ quốc, biết giải quyết hài hòa giữa thực hiện vai trò, sứ mệnh của trí thức với đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và trong hành trình sáng tạo của mình thì mới để lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” cộng đồng, thiếu sự thủy chung, tinh thần xây dựng và ứng xử tiền hậu bất nhất... thì khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.

THIỆN VĂN

Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"

Xử lý trí thức - đảng viên sai phạm không phải là kỳ thị cả đội ngũ

Sau khi báo chí, công luận gần đây thông tin về việc xử lý những sai phạm của ông Chu Hảo theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, trên mạng xã hội và đài, báo nước ngoài lại xuất hiện một số ý kiến cố tình làm sai lệch sự việc với dụng ý nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam; cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang kỳ thị, “gạt ra bên lề”, “đánh” những trí thức “chân chính”…

Những lời thương vay khóc mướn

Trang BBC tiếng Việt thời gian gần đây có một số bài viết với thông tin cho rằng ông Chu Hảo là “trí thức chân chính”, bị kỷ luật Đảng thì sẽ “trở về với nhân dân”, đóng góp cho sự phát triển đất nước tốt hơn “với tư cách là người tự do”. Trang này lượm lặt thông tin về một số nhân vật bất mãn để “thổi” lên thành sự kiện: “Rộ trào lưu bỏ Đảng sau vụ TS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật”.

Ông Chu Hảo. Ảnh: ANTĐ

Trên trang cá nhân, một số nhân vật tự cho mình là những nhà dân chủ, cấp tiến thay vì nhìn thẳng vào sự thật lại lấp liếm, đổi trắng thay đen, biến những việc làm vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng của ông Chu Hảo thành những công lao, như: Đã dũng cảm cho in những cuốn sách có giá trị, thúc đẩy tự do, dân chủ; bỏ nhiều công sức cho việc chấn hưng dân trí... Họ nêu, kỷ luật ông Chu Hảo “với những lý do đầy tính chất vu khống là “đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm”, sẽ dẫn đến tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt”. Đài Á Châu tự do vẫn với giọng điệu cực đoan vốn có còn dựng chuyện: “Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam”.

Một số người với cái nhìn cảm tính, phiến diện vội quy kết cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam hành xử thô bạo với đội ngũ trí thức. Họ cố tình gạt bỏ, không đếm xỉa đến những sai phạm về pháp luật và kỷ luật Đảng của ông Chu Hảo mà quay sang đả phá Đảng, Nhà nước, cho rằng đây là một “nỗi đau”, một sự “lạc hậu”…

Pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, công bằng

Với một số sai phạm được nêu trong thông báo của UBKT Trung ương cho thấy ông Chu Hảo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Đảng. Ở đây hoàn toàn không có chuyện “kỷ luật ông Chu Hảo với những lý do đầy tính chất vu khống” hay Đảng Cộng sản Việt Nam  “đánh vào người trí thức yêu nước, có tài và có tâm” như những ý kiến phiến diện từng rêu rao.

Từ tháng 11-2011, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 47-QĐ/TW thay thế Quy định số 115-QĐ/TW vẫn có những nội dung hết sức chặt chẽ về vấn đề trên. Theo đó, đảng viên không được: 1-Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép. 2-Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước... 6-Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.

Thế nhưng, trong suốt nhiều năm qua, ông Chu Hảo đã nhiều lần vi phạm các điều nêu trên. Theo UBKT Trung ương, trong việc nói, viết và làm theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ông Chu Hảo đã có những vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trong đó, có việc tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội, như: “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” nêu lên 7 kiến nghị tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: (1) Đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp; (2) Yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; (3) Đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang; “Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản”, nội dung thư ngỏ cho rằng Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện... “Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng” trong đó kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn một số điều của luật, tự ý đưa tên một vị tướng công an (không được sự đồng ý của vị tướng này) vào danh sách những người đứng tên thư kiến nghị, đưa lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, tư tưởng của nhân dân. Ông Chu Hảo còn có nhiều bài viết trên mạng xã hội với nội dung sai trái, cùng nhiều bài trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài (BBC, RFA, RFI) có các nội dung sai trái. Ông Chu Hảo cũng là người sáng lập, tham gia các hội, nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ và các tổ chức có các hoạt động truyền bá tư tưởng, quan điểm sai trái; là một trong những thành viên đầu tiên của cái gọi là “Nhóm kiến nghị 72”, thành viên tích cực của “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Nhóm kiến nghị 61”, “Nhóm tinh thần khai minh”...

Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã mời ông Chu Hảo đến làm việc, trao đổi, phân tích, làm rõ và yêu cầu chấm dứt vi phạm từ năm 2016 nhưng ông không chuyển biến và tiếp tục tái phạm. Trả lời phỏng vấn đài BBC tháng 9-2017, ông Chu Hảo nêu rõ quan điểm muốn thay đổi thể chế, ủng hộ cái gọi là xã hội dân sự: “Bên cạnh nhà nước, doanh nghiệp, thì xã hội dân sự có thể là chìa khóa dẫn đến những áp lực để thay đổi thể chế”.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nếu đối chiếu vào những thông tin, việc làm nêu trên, ông Chu Hảo vi phạm nhiều biểu hiện, như: 1-Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng". 2-Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nhà nước pháp quyền XHCN; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. 3-Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Tại Điều 7, Quy định số 102/QĐ-TW của Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2017 cũng chỉ ra nhiều vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ mà đối chiếu theo đó, ông Chu Hảo đã có rất nhiều sai phạm. Các quy định tại Khoản 3, Điều 7, Quy định số 102/QĐ-TW nêu rõ sẽ xử lý bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng với đảng viên: a) Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc. b) Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".

Như vậy, việc kết luận những vi phạm của ông Chu Hảo là rõ ràng, đúng theo quy định của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, hoàn toàn không có chuyện kỳ thị, “đánh” trí thức.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử UBKT Trung ương, nguyên nhân cơ bản, chủ quan và lớn nhất dẫn đến sai phạm là do bản thân ông Chu Hảo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không giữ vai trò tiền phong, gương mẫu của người cách mạng chân chính. Đứng trước nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, ông Chu Hảo đã lựa chọn phương pháp sai lầm trong tư duy, hành động và kết cục là vi phạm như hiện nay. Trong thời gian công tác, lúc đương chức, ông không góp ý với Đảng trên cương vị công tác của mình trong phạm vi tổ chức, nhưng khi nghỉ hưu lại có những hành động sai trái. Khi bị kiểm điểm, nhắc nhở, ông khôn khéo thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình ở mức độ nhất định nhằm tránh bị kỷ luật và giữ vững vai trò “hợp pháp” để rồi vẫn giữ quan điểm, lập trường riêng, không chấp hành yêu cầu của các cơ quan chức năng và sau đó lại tiếp tục có vi phạm.

Sai phạm trên còn do sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm của tổ chức đảng, chính quyền để xảy ra vi phạm kéo dài. Việc kiểm điểm, nhắc nhở đối với ông Chu Hảo diễn ra nhiều lần nhưng có phần nể nang, né tránh; không được tổ chức đảng thực hiện bằng văn bản; không giám sát hay yêu cầu báo cáo kết quả sửa chữa khuyết điểm và cũng không có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của đảng viên có vấn đề về “tư tưởng chính trị”. Vi phạm của ông Chu Hảo ngày càng nghiêm trọng. Qua sự việc vi phạm của ông Chu Hảo, vấn đề đặt ra đối với tổ chức đảng là phải làm tốt hơn công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, để đảng viên thường xuyên được rèn luyện, giữ vững lập trường, quan điểm. Mặt khác, sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội là môi trường “dung dưỡng” cho các quan điểm, hành vi sai trái của ông Chu Hảo. Các quan điểm sai trái đó được các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội về chính trị lôi kéo, cổ vũ, tiếp sức, các hội, nhóm, diễn đàn…

Để thanh lọc bộ máy và giữ nghiêm kỷ luật Đảng

Ngay tại Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định về tiêu chuẩn đảng viên, có tiêu chí đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Tại Điều 2 về nhiệm vụ đảng viên chỉ rõ đảng viên phải: Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Ðảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Ðảng.

Với những người như ông Chu Hảo, về thực chất đã từ bỏ lý tưởng, từ bỏ hàng ngũ, không còn xứng đáng với tiêu chuẩn, danh hiệu đảng viên cộng sản. Lẽ ra, với những sai phạm trên, ông Chu Hảo đã bị xử lý từ lâu, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn trên tinh thần tôn trọng đội ngũ trí thức, cân nhắc, thận trọng, xem xét toàn diện khi xử lý những vụ việc liên quan tới những trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Dư luận cho rằng, thời gian gần đây, có một số hiện tượng cán bộ, đảng viên có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" phức tạp, công khai phủ nhận, tuyên truyền trái đường lối, quan điểm của Đảng… nhưng chưa bị xử lý làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Vì vậy, đã đến lúc phải xử lý nghiêm một số sự việc để làm gương, tránh tình trạng “nhờn luật”, “nhờn kỷ luật của Đảng”. Những sai phạm của ông Chu Hảo có cả sai phạm về mặt pháp luật thì phải được xử lý đúng pháp luật, không dừng ở việc chỉ xem xét kỷ luật Đảng. Xử lý một vài trường hợp trí thức vi phạm không phải là tuyên chiến hay kỳ thị đội ngũ trí thức mà chính là làm trong sạch đội ngũ trí thức.

Kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là tự giác và nghiêm minh, đồng thời cũng bình đẳng trong Đảng, không phân biệt đảng viên đương chức hay nghỉ hưu, đảng viên là lao động bình thường hay là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo. Ai vi phạm đều được kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm minh, bảo đảm sự trong sạch đội ngũ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng.

Những biểu hiện sai phạm của ông Chu Hảo cũng để lại bài học đắt giá đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Thật đáng tiếc khi ông Chu Hảo sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có cha từng là cán bộ cao cấp của ngành công an và ngành văn hóa. Bản thân ông những năm chiến tranh đã được Nhà nước ưu đãi, cho đi du học, làm việc ở Liên Xô suốt nhiều năm và kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng, từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Lẽ ra, với tri thức và kinh nghiệm sâu sắc của mình, ông có thể chọn cho mình con đường, cách thức phù hợp hơn, đúng đắn hơn để phát huy vai trò người trí thức chân chính, cống hiến nhiều hơn, thiết thực hơn cho đất nước, thay cho những việc làm lợi bất cập hại, đi ngược với chính mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với lời thề của người đảng viên cộng sản mà chính ông từng tuyên thệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng từng căn dặn: Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt… Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: Giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân. Tinh thần ấy cũng đã thấm sâu trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức. Vì vậy, cùng với quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt thì việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc những hiện tượng sai phạm là cần thiết và bình thường. Trí thức dù là tầng lớp tinh hoa, nhạy cảm với thời cuộc nhưng không thể đứng trên, không thể đi ngược con đường của Tổ quốc và nhân dân, không thể làm trái pháp luật, càng không thể đi ngược, làm trái đường lối, quan điểm của Đảng khi trí thức ấy đứng trong hàng ngũ của Đảng. Việc xử lý một vài hiện tượng cá nhân sai phạm là sự thanh lọc cần thiết để Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch hơn, luôn giữ vững vai trò tiên phong, bản chất giai cấp công nhân và mục tiêu lý tưởng nhất quán; đó cũng là sự thanh lọc cần thiết đối với đội ngũ trí thức cách mạng, chân chính, giúp cho đội ngũ trí thức ngày càng hoàn thiện hơn, đóng góp hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

HÀ THÀNH

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Nguồn: www.qdnd.vn

 

Số lượt đọc: 15540 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển