Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

MÙA GIẢI NOBEL 2016

Giáo sư Nhật nhận giải Nobel Y học 2016

Giải Nobel Y học 2016 đã có chủ nhân, đó là nhà khoa học người Nhật Yoshinori Ohsumi.

Nhật, Nobel Y học,
Giáo sư Yoshinori Ohsumi.

BBC dẫn công bố của Viện Karolinska tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển cho biết, ông Ohsumi được trao giải vì có những khám phá về quá trình tự hủy (autophagy) của tế bào - cách thức cơ thể phân tách và tái tạo các thành phần tế bào.

Theo thông cáo của Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska, quá trình tự hủy là cơ chế mang tính chất nền tảng của tế bào, và nghiên cứu của Giáo sư Ohsumi chỉ ra rằng cơ chế tự hủy kiểm soát các tính năng y sinh cơ bản khi các thành phần tế bào suy thoái và tái tạo.
"Các phát hiện của Ohsumi dẫn tới tư duy mới trong cách hiểu về cơ chế tái tạo của tế bào", thông cáo giải thích.
Trị giá của giải thưởng là 8 triệu Crown tiền Thụy Điển, tương đương 933.000 USD.
Giáp sư Yoshinori Ohsumi sinh năm 1945 ở Fukuoka, Nhật Bản. Ông hiện đang công tác tại Viện Công nghệ Tokyo.
Đến nay đã có tổng cộng 106 giải Nobel Y học được trao và trong số những người nhận giải có 12 phụ nữ.

Đây là giải Nobel Y học thứ 106, và là giải đầu tiên của loạt giải Nobel năm nay.

 

Nobel Vật lý vinh danh nghiên cứu về 'vật chất lạ'

Một thành viên của Ủy ban Nobel dùng bánh ngọt có hình dạng khác nhau để giải thích cơ chế tô pô học /// Reuters

Một thành viên của Ủy ban Nobel dùng bánh ngọt có hình dạng khác nhau để giải thích

Giải Nobel Vật lý năm 2016 được trao cho công trình nghiên cứu những trạng thái kỳ lạ của vật chất, từ đó đã mở ra những ứng dụng mới trong nhiều lĩnh vực.
Ba nhà khoa học Anh David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay nhờ ứng dụng tô pô học, một nhánh của toán học, vào vật lý để giải thích những trạng thái kỳ lạ của vật chất. Thông thường, vật chất tồn tại ở 4 trạng thái là rắn, lỏng, khí và plasma. Tuy nhiên, trong những điều kiện cực nóng hoặc cực lạnh, một số vật chất có thể biến dạng thành những trạng thái bất thường như siêu lỏng, siêu dẫn hoặc màng từ tính.
Trong một thời gian dài, thế giới chỉ có thể ghi nhận sự tồn tại của những dạng vật chất này nhưng không nắm được bản chất và đặc tính của chúng. Mặt khác, nói một cách nôm na nhất, toán học tô pô là ngành nghiên cứu về sự bảo toàn đặc tính của các cấu trúc dù chúng có biến dạng, co giãn cỡ nào đi nữa.
Nobel Vật lý vinh danh nghiên cứu về 'vật chất lạ' 1
Từ trái: Các giáo sư Duncan Haldane, David Thouless và Michael Kosterlitz Ảnh: Il Post
Nhờ áp dụng tô pô học, vào đầu những năm 1970, các giáo sư Michael Kosterlitz và David Thouless đã lật đổ quan điểm phổ biến thời đó là hiện tượng siêu dẫn hoặc siêu lỏng không thể nào diễn ra giữa các lớp vật chất mỏng. Họ cũng giải thích được cơ chế khiến trạng thái siêu dẫn biến mất trong điều kiện nhiệt độ cao hơn.
Đến thập niên 1980, Giáo sư Duncan Haldane phát hiện có thể dùng những khái niệm tô pô học để hiểu rõ đặc tính của các chuỗi nam châm nhỏ tồn tại trong một số dạng vật liệu. Tóm lại, theo đánh giá của giới chuyên môn, 3 giáo sư người Anh đã có thể áp dụng những khái niệm vô cùng trừu tượng của tô pô học vào nghiên cứu những vật chất hiện hữu, từ đó mở ra những chân trời hiểu biết mới về những trạng thái kỳ lạ nhất của vật chất. Đó là lý do tờ The Independent hôm qua gọi họ là “những người vén màn bí mật của những vật chất lạ”.
Hơn nữa, các khám phá nói trên còn có giá trị thực tế rất lớn, đặc biệt trong công cuộc tìm kiếm các loại vật liệu mới cũng như ngành điện tử. Chẳng hạn như trạng thái màng từ tính của vật chất có thể được nghiên cứu chế tạo ổ cứng máy tính có khả năng chứa dữ liệu hơn rất nhiều lần hiện nay hoặc phát triển máy tính lượng tử với tốc độ xử lý ngày càng nhanh.
Trong thông báo đưa ra chiều 4.10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển viết: “Những nhà khoa học được trao giải năm nay đã mở ra cánh cửa đến một thế giới hoàn toàn chưa được khai phá, nơi mà vật chất có thể tồn tại ở những trạng thái kỳ lạ nhất. Nhờ vào các công trình mang tính tiên phong của họ, công cuộc săn lùng những trạng thái vật chất mới và kỳ lạ nhất có những bước tiến vượt bậc với triển vọng ứng dụng rất lớn trong khoa học vật liệu lẫn điện tử”.
Theo website Nobelprize.org, Giáo sư David Thouless nhận phân nửa số tiền thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 931.000 USD). Phần còn lại được chia đều cho 2 giáo sư Duncan Haldane và Michael Kosterlitz. Ông Thouless, 82 tuổi, và ông Kosterlitz, 74 tuổi, đều sinh ở Scotland và từng có thời gian dài nghiên cứu chung tại Đại học Birmingham. Hiện nay cả hai người đều sống và làm việc ở Mỹ. Giáo sư Haldane thì chào đời tại London vào năm 1951 và cũng đang giữ vai trò giáo sư cấp cao tại Đại học Princeton của Mỹ.
 

Nghiên cứu về cỗ máy nano thắng giải Nobel Hóa học 2016

Từ trái sang: Fraser Stoddart, Jean-Pierre Sauvage, Bernard L Feringa /// UCLA/CNRS/Đại học Gronigen

Từ trái sang: Fraser Stoddart, Jean-Pierre Sauvage, Bernard L FeringaUCLA/CNRS/Đại học Gronigen

Những người thắng giải Nobel Hóa học năm nay được vinh danh nhờ việc phát triển được các thao tác trên cỗ máy cỡ phân tử, trong đó bao gồm kiểm soát được các cấu trúc cỡ nano, từ đó chuyển đổi năng lượng hóa học thành lực cơ học và chuyển động.

Nghiên cứu này cho phép các nhà khoa học xây dựng được hàng loạt những thiết bị phân tử từ việc chuyển đổi sang động cơ, theo The Guardian.

Những cổ máy có độ lớn chỉ bằng 1/1000 sợi tóc này được kỳ vọng nhiều nhất khi giúp phân phối thuốc trực tiếp trong cơ thể bằng cách biến chuyển đổi hóa học thành cơ học, ví dụ áp dụng trực tiếp trong điều trị ung thư, theo BBC.
Cỗ máy phân tử, hay cỗ máy nano, là dạng thiết bị được xây dựng từ những cấu trúc bậc nano có thể thực hiện những thao tác tương tự như chuyển động cơ học đáp ứng với một kích thích từ bên ngoài, tức kích thích đầu vào. Nếu thực hiện thành công cấu trúc máy dạng này, nó sẽ cho phép con người thực hiện các thao tác có chọn lọc và cung cấp giải pháp hữu hiệu cho sự chuyển đổi hóa chất trong y học nano.

Trong quá khứ, những người đam mê hóa học thường “bất bình” vì giải Hóa học thường hiếm khi trao cho những nhà hóa học thực thụ. Đây là một một nghiên cứu hóa học cơ bản, nhưng thành quả của bộ ba nhà khoa học Sir Fraser Stoddart, Bernard L Feringa và Jean-Pierre Sauvage được cho sẽ cung cấp giải pháp đáng ghi nhận đối với việc sản xuất vật liệu thông minh và chuyển đổi hóa chất y học.

Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 tại Paris, Pháp. Hiện tại ông Sauvage là giáo sư danh dự tại Đại học Strasbourg và là giám đốc danh dự tại Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).

Sir Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Scotland, còn ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan, là giáo sư về hóa học hữu cơ tại Đại học Groningen, Hà Lan.

 

Lý thuyết về hợp đồng đoạt giải Nobel Kinh tế 2016

Giải Nobel Kinh tế 2016 được trao cho hai nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmström /// Reuters

Giải Nobel Kinh tế 2016 được trao cho hai nhà khoa học Oliver Hart và Bengt HolmströmReuters

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 10.10 vinh danh hai nhà khoa học Oliver Hart (Mỹ) và Bengt Holmström (Phần Lan) vì nghiên cứu lý thuyết về hợp đồng, mang tính ứng dụng rất cao.

Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét rằng nghiên cứu của hai nhà khoa học trên đặt “nền tảng trí tuệ” cho chính sách về những lĩnh vực như pháp luật về phá sản và hiến pháp, theo BBC.

Hợp đồng là thành tố quan trọng trong nền kinh tế ngày nay, nhưng bên sử dụng nhân sự và người lao động lại giao kèo với nhau rất nhiều điều khoản, chi tiết phức tạp. Những nghiên cứu của ông Oliver Hart và Bengt Holmstrom xoay quanh những lý thuyết về hợp đồng ấy, giải quyết được sự cân bằng giữa nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng, tức chia sẻ lợi ích của các bên.

Thoạt nghe nghiên cứu này có vẻ nhỏ nhặt, thiếu thu hút, nhưng lại đặt ra nền tảng quan trọng cho kinh tế, “có giá trị cho sự hiểu biết về hợp đồng và tổ chức trong cuộc sống thực tế”, cũng như giúp “xác định những cạm bẫy tiềm năng trong việc xây dựng hợp đồng”, BBC dẫn lời Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Nói nôm na, các nghiên cứu này cũng giúp doanh nghiệp hoặc bên sử dụng lao động cân nhắc việc trả lương “cứng” hay trả theo hiệu suất công việc, và liệu các nhà cung cấp dịch vụ công nên tư hữu tài sản hay biến nó thành sở hữu chung.

Ông Oliver Hart sinh tại Anh, đang làm việc tại Đại học Havard của Mỹ và là công dân Mỹ. Trong khi đó ông Bengt Holmstrom là người Phần Lan, hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ).

 

Tổng thống Colombia giành giải Nobel Hòa bình 2016

Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2016 đã được công bố vào chiều nay (7/10) tại thủ đô Oslo của Na Uy. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã giành giải thưởng danh giá này nhờ các nỗ lực to lớn của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại nước này.


Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (Ảnh: juanmanuelsantos)

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (Ảnh: juanmanuelsantos)

Trong tuyên bố phát đi vào 4 giờ chiều ngày 7/10 giờ Việt Nam, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết ủy ban này "đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực kiên định của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua, một cuộc chiến cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người Colombia và khiến 6 triệu người bị mất nhà cửa".

Ủy ban Nobel Na Uy nói thêm rằng giải thưởng trên nên được xem là "một sự tri ân đối với người dân Colombia, những người dù gặp nhiều khó khăn và áp bức vẫn không từ bỏ hi vọng về một nền hòa bình chính đáng, cũng như tất cả các bên đã đóng góp cho tiến trình hòa bình".

Chính phủ Colombia và phong trào vũ trang cánh tả FARC ngày 26/9 đã ký một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm tại nước này. Tổng thống Juan Manuel Santos và chỉ huy lực lượng FARC Timoleon Jimenez đã chính thức đặt bút ký vào thỏa thuận hòa bình tại thành phố biển Cartagena, trước sự chứng kiến của khoảng 2.500 quan khách trong nước và quốc tế.


Bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch ủy ban giải thưởng Nobel Hòa bình, công bố người chiến thắng tại thủ đô Oslo (Na Uy) trước sự chứng kiến của đông đảo báo giới (Ảnh: Reuters)

Bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch ủy ban giải thưởng Nobel Hòa bình, công bố người chiến thắng tại thủ đô Oslo (Na Uy) trước sự chứng kiến của đông đảo báo giới (Ảnh: Reuters)

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, Tổng thống Santos đã khởi xướng các cuộc đàm phán kéo dài, vốn dẫn tới thỏa thuận hòa bình trên giữa chính phủ Colombia và lực lượng FARC, và ông đã kiên định tìm cách để thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Năm nay, số lượng ứng viên cho giải Nobel Hòa bình đạt con số kỷ lục: 376. Trong đó, 228 ứng viên là cá nhân và 148 là các tổ chức.

Mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).

 

Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan giành giải Nobel Văn học 2016

Tác giả sinh năm 1941 nhận giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Giải thưởng Nobel Văn học 2016 được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố lúc 13h (giờ địa phương, tức 18h Hà Nội). Bob Dylan được xướng tên trong khi Haruki Murakami tiếp tục không có duyên với giải thưởng.

Bob Dylan được trao Nobel vì đã "tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ". 

Giải thưởng Nobel Văn học trao cho ca sĩ, nhạc sĩ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Sara Danils - Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - lý giải với báo chí: "Nếu nhìn lại quá khứ, các bạn sẽ thấy Homer và Sappho. Họ đã viết những văn bản đậm chất thơ, được dành cho trình diễn. Nó tương tự cách của Bob Dylan. Ngày nay chúng ta vẫn đọc, vẫn yêu thích Homer và Sappho. Chúng ta cũng có thể và nên đọc Bob Dylan".

Dẫn chứng bằng ca khúc Blonde on Blonde, bà Sara cho rằng đó là một ví dụ tuyệt vời về tài năng của Bob Dylan trong gieo vần, tạo những điệp khúc và lối suy nghĩ xuất chúng của huyền thoại âm nhạc.

Bob Dylan nhận phần thưởng trị giá 8 triệu krona của Thụy Điển (hơn 900.000 USD).

ca-si-nhac-si-bob-dylan-gianh-giai-nobel-van-hoc-2016

Bob Dylan (Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24/5/1941) là ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đại chúng thế giới. Ông từng nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Grammy, Quả Cầu Vàng, Pulitzer... Ông được coi là tượng đài văn hóa thế kỷ 20 và được mệnh danh là "lãng tử du ca".

Các nhạc phẩm của ông như Blowin in the Wind, The Times They Are a-Changin... đã trở thành "thánh ca" trong các phong trào đấu tranh vì dân quyền và phản chiến. Bob Dylan cũng từng đấu tranh chống chiến tranh tại Việt Nam.

John Schafer, giáo sư văn chương ở Mỹ, từng viết cuốn sách chọn điểm nhìn so sánh giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan.

Bob Dylan là người Mỹ thứ 259 giành giải Nobel và tác giả Mỹ đầu tiên thắng Nobel Văn học sau Toni Morrison năm 1993. 

Do không hé lộ trước danh sách chung khảo lẫn sơ khảo, các nhà văn đều nhận giải trong sự bất ngờ. Tác giả Pháp Patrick Modiano đang ra ngoài ăn trưa cùng vợ khi ông được công bố thắng Nobel Văn học 2014, trong khi Svetlana Alexievich không giấu được kinh ngạc trên gương mặt khi phóng viên Belarus gõ cửa nhà bà năm ngoái để phỏng vấn về giải thưởng. Hiện, chưa rõ Bob Dylan ở đâu khi giải thưởng danh giá gọi tên ông.

 

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ vietnamnet.vn; thanhnien.vn; dantri.com.vn; vnexpress.net
 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển