Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 23/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

KIÊN ĐỊNH, SÁNG TẠO TRÊN CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG THEO NGỌN CỜ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

Kiên định, sáng tạo trên con đường giải phóng theo ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười

Thế kỷ 20, trong thế giới thuộc địa, Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận sớm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Thực tiễn hơn một thế kỷ qua, đặc biệt là 87 năm cách mạng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có thể thấy rất rõ: Việt Nam là một điển hình về sự kiên định, sáng tạo trên con đường giải phóng theo ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười.

Cuộc gặp gỡ lịch sử

Người Việt Nam đầu tiên nhận thức rõ giá trị to lớn và tầm vóc thời đại, tin tưởng và quyết tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Sau 12 năm bôn ba khắp thế giới, tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn phong trào cách mạng quốc tế, trăn trở tìm con đường cứu nước, mùa hè năm 1923, Người đặt chân đến nước Nga Xô viết. Thực tiễn sinh động của chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ trên quê hương Xô viết và những tư tưởng cách mạng của V.I.Lênin thể hiện trong “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” đã chinh phục trái tim, khối óc của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Bằng những tri thức phong phú, sự trải nghiệm sâu rộng và bằng mẫn cảm chính trị sáng suốt, Người khẳng định dứt khoát: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga đã thành công và thành công đến nơi”; “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặt trọn vẹn niềm tin vào con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, xem đó là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Người ra sức truyền bá lý tưởng, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười và những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, dày công chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam-một chính đảng vô sản kiểu mới theo hình mẫu Đảng Bolshevik Nga do Lênin sáng lập.

 Đội Cận vệ Đỏ trên đường phố Petrograd năm 1917. Nguồn : RIA Novosti 

Chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga đến với Việt Nam đúng vào lúc phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, sau bao nhiêu phong trào quật khởi, bao nhiêu cuộc tìm kiếm, thử nghiệm với các xu hướng, khuynh hướng, phương pháp khác nhau đều lần lượt thất bại, đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về tổ chức. Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin thổi luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng Việt Nam, đáp ứng trúng sự khát khao, mong chờ của những người yêu nước và đông đảo nhân dân lao động đang quằn quại, rên xiết dưới ách thống trị, thực dân, phong kiến, do vậy, đã nhanh chóng ăn sâu, bén rễ và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Nhà ái quốc tiêu biểu Phan Bội Châu sau mấy chục năm quyết liệt tìm con đường cứu nước, trải qua nhiều lần thất bại, chưa một lần thành công, vào cuối đời đã nhận ra giá trị mở đường to lớn của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại: “May thay! Đúng giữa lúc khói đục, mây mù, thình lình mà có một luồng gió xuân thổi tới; đương giữa trời khuya, đất ngủ, thình lình mà có cả một tia thái dương mọc ra, luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là CNXH vậy”. Sự thức tỉnh của Cụ Phan phản ánh khát vọng chung của dân tộc Việt Nam trên con đường kiếm tìm chân lý cứu nước.

Sự tiếp nhận chủ động, triệt để, kiên định

Cách mạng Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách trực tiếp, chủ động, tự nguyện thông qua Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cùng thế hệ cộng sản tiền bối do Người đào tạo. Đó là sự tiếp thu triệt để, nhất quán và kiên định.

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, trải qua quá trình nghiên cứu lý luận; hoạt động, đúc kết thực tiễn; phân tích, so sánh các cuộc cách mạng điển hình, các học thuyết chính trị tiêu biểu trên thế giới, cuối cùng quyết định lựa chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, tin theo Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là sự lựa chọn tự giác, có căn cứ vững chắc; là sự tiếp thu từ gốc, căn bản, triệt để những tư tưởng cốt lõi nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga. Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, từ thực tiễn xây dựng CNXH trên đất nước Xô viết đã sớm nhận ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Trên cơ sở nhận thức có ý nghĩa nền tảng về mục tiêu của cách mạng vô sản mà Cách mạng Tháng Mười là hình mẫu, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối chiến lược cách mạng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước, trong đó tư tưởng xuyên suốt, nhất quán là gắn độc lập dân tộc với CNXH. Trong tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc và CNXH gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau; độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết của CNXH và CNXH là nhân tố quyết định bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng hoàn thiện đường lối chiến lược cách mạng và lãnh đạo toàn thể nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc-CNXH phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.

Việt Nam luôn kiên định lập trường trước sau như một. Vào những thời điểm lịch sử có ý nghĩa bước ngoặt, trước những thử thách khắc nghiệt, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thay mặt toàn dân tộc, luôn thể hiện sự vững vàng không gì lay chuyển nổi. Đó là tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn gay go ác liệt. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ 20, trước cơn chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình CNXH ở Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam ban bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, khẳng định mục tiêu nhất quán của Việt Nam là tiến lên CNXH. Lập trường kiên định đó được khẳng định và luận giải thấu đáo hơn trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Không ngừng sáng tạo

Thấm nhuần quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo và phép biện chứng duy vật, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là phải có sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính, 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, và gần đây, bổ sung mục tiêu, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, phù hợp với đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đảng thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phấn đấu làm cho Đảng thật sự là đội tiền phong, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng học tập, vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết về xây dựng lực lượng cách mạng, về phương pháp tiến hành cách mạng thích hợp với hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu, điều kiện của từng thời kỳ cách mạng.

Trong 15 năm chuẩn bị, đấu tranh giành chính quyền (1930-1945) và trong 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất đất nước (1945-1975), Việt Nam kế thừa, phát triển sáng tạo những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga về liên minh công nông; về xây dựng đội quân công nông; về sử dụng bạo lực cách mạng; về chuyên chính vô sản... Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước vào trận tuyến cách mạng trên nền tảng khối liên minh công nông; xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng; tiến công trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; chủ động tạo thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ, giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng lực lượng và phương pháp cách mạng khoa học của Việt Nam trên cơ sở phát huy tinh hoa đánh giặc, giành và giữ độc lập được đúc kết qua hàng ngàn năm của dân tộc; tiếp thu sáng tạo kinh nghiệm của phong trào cách mạng quốc tế, trước hết là những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết.

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt khi tiến hành công cuộc đổi mới, đồng thời với việc tổng kết nghiêm túc thực tiễn trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng phân tích những bài học thất bại của Liên bang Xô viết, tìm hiểu sâu và vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin và những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước Xô viết... để hình thành đường lối đổi mới. Xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN; xây dựng, phát triển văn hóa, con người; tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc... chính là những sáng tạo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có những đóng góp về lý luận, thực tiễn được đúc kết từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và từ những thành công và cả những không thành công trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ CNXH ở Liên bang Xô viết.

Lịch sử cách mạng 87 năm qua khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười. Và, mặc dù trước mắt còn vô vàn khó khăn, còn không ít vấp váp, song với sự kiên định, sáng tạo, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy được, nhất định Việt Nam sẽ đi đến đích thắng lợi.

GS, TS PHÙNG HỮU PHÚ

Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn: qdnd.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển