Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 20/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Gặp lại “ông xé rào” Đoàn Duy Thành

Hơn mươi năm rồi không gặp, mà ông vẫn nhớ: “Cậu mới ở miền Nam ra à? Dạo này còn đi viết khoẻ không? Có hay lắng nghe bụng dạ người dân không? Tròn 30 năm đổi mới rồi đấy”. Vừa bắt tay, ông Đoàn Duy Thành đã bập ngay vào tiếng lòng người dân. Vị bí thư nổi tiếng “xé rào” ở Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã về hưu nhiều năm, nhưng vẫn hệt như thời còn làm việc gần dân...

“Thế gần đây, ông ưu tư chuyện gì nhất?”- tôi hỏi. “Vẫn chuyện con người thôi. Mọi việc đều do con người tạo ra và do con người quyết định tất cả. Xưa nay, ở đời, kẻ nỏ mồm, nịnh hót lại hay được chọn dùng. Nó không chỉ triệt hạ hiền tài, gây nên bao tội lỗi, mà còn phá nát con đường phát triển” - đã ở tuổi 85, nhưng ông Đoàn Duy Thành vẫn đau đáu với thời cuộc. Ông nhắc nhớ bậc đàn anh mình là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay nói câu làm ông nhớ mãi: “Nhiệt tình cộng ngu dốt thành phá hoại”. Vừa rồi, cuộc hội thảo giáo dục có sự tham gia của các giáo sư đang sống ở nước ngoài như Ngô Bảo Châu được ông đặc biệt quan tâm. Suy cho cùng mọi bí bách và mọi giải pháp đều nằm trong hai chữ: Nhân Tài. Những khó khăn, hạn chế này nọ chung quy đều do con người tạo ra cả và cũng chính con người sẽ tháo gỡ được hay không. Hiển hách và kiêu hãnh như Nguyễn Huệ xưa mà cũng phải đích thân lên núi mời La Sơn Phu Tử giúp nước. Thời cuộc nào mà nhân tài được trọng dụng, chắc chắn lòng dân sẽ an, xã hội ấm no, thịnh vượng, đến kẻ thù cũng phải kính trọng.

Ông Thành say sưa thời sự, chẳng muốn nhắc đến chuyện xưa. Tôi phải lèo lái “ôn cố tri tân” mãi, ông mới chịu ngược dòng thời gian. Lần giở những tài liệu, hình ảnh đã nhuốm màu thời gian, ông tâm sự: “Hồi mới chấm dứt chiến tranh, Hải Phòng cũng khó khăn lắm. Ban đêm thì dân sợ ra đường vì trộm cướp. Ban ngày, người nghèo đến đầy trước nơi làm việc của lãnh đạo tỉnh để xin ăn.  Trên các cánh đồng hợp tác xã, dân chống cuốc đứng nhìn trời, nhìn đất và … nhìn nhau đen đặc cánh đồng. Người ta không muốn làm, năng suất lúa không có. Nhiều nơi, công điểm xã viên một ngày không nổi ba lạng lúa, dân đói tràn lan. Lòng tin bị hoang mang lắm!”.

Ông Thành cùng một số lãnh đạo Hải Phòng tìm cách tháo gỡ bằng hướng khoán hộ, giao đất cho nông dân làm. Một ít người ủng hộ, một số người dè dặt xem chừng, nhưng nhiều người chống gay gắt. Có lãnh đạo địa phương khác nói thẳng thừng: Nếu mà rào được thì sẽ rào cả tỉnh lại để ngăn chặn ngọn gió độc từ Hải Phòng. Thậm chí, cái câu quen tai “dân giàu, nước mạnh” bây giờ, hồi ấy còn bị nhiều người cho là có mùi tư bản và đề nghị đổi lại là “nước giàu, dân mạnh” cho “đúng lập trường”. Nhiều người đã chờ ngày xử ông, vì việc dám “xé rào” này. Bí thư Đoàn Duy Thành lặng lẽ xuống nông thôn, khảo sát đời sống nông dân. Một bí thư xã nhiệt tình mời ông về nhà và báo cáo: “Tôi rất tự hào báo cáo với đồng chí Bí thư Thành uỷ: trên 30 năm tham gia cách mạng, đến nay tôi cũng chỉ có một gian nhà tranh, vách đất và cái giường ba xà…”.  Không kìm chế được, ông Thành phải bật lên: “Tôi tưởng đồng chí khoe với tôi là cả xã đều có nhà xây, có tiện nghi… và đồng chí cũng vậy thì mới đáng tự hào. Chứ hoà bình bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nghèo như thế này là chúng ta dốt, ai còn theo chúng ta …”.  

  Một lần khác, ông Thành lại xuống xã thì ngậm ngùi thấy cảnh ba cháu nhỏ đang đói lả nằm trên giường. Ông hỏi: “Bố mẹ các cháu đi đâu?”. “Bố mẹ ra biển bắt tôm cá về đong gạo”- bọn trẻ thều thào trả lời. Bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm hợp tác xã đi theo có vẻ ngượng, giải thích quẩn quanh tình hình ruộng đồng kém năng suất, rồi đổ cho nông dân bỏ ruộng, lười lao động. Ông Thành phải chặn ngang lại, nói tài xế của mình về nhà lấy gạo, nấu cơm ngay cho bọn trẻ ăn. Cán bộ địa phương sợ xanh mặt, vội xin lấy gạo kho hợp tác xã cho dân. Chuyện này lan nhanh ra các địa phương. Dân thiếu đói đỡ khổ hẳn. “Bí thì bí đấy, nhưng thật tâm muốn tháo gỡ thì vẫn có cách. Chung quy cũng là con người. Cán bộ mà xa dân, không lo cho dân thì dân sẽ khổ” - miên man chuyện xưa, ông Thành trăn trở suy tư.  

Rót tách trà thơm, ông Thành rủ tôi hôm nào cùng đi về thăm cánh đồng 9 - 10 tấn ở Hải Phòng. Nhưng đó là chuyện của hôm nay. Trước thời kỳ đổi mới, đồng lúa Hải Phòng chỉ được  3 tấn mỗi năm. Thời sự hồi ấy chỉ quẩn quanh mỗi chuyện miếng ăn! Ông tâm sự: “Chúng ta đã từng trải thời kỳ khó khăn tưởng chừng phải gục ngã, thế mà vẫn đi đến thời đại phát triển, có những con người làm cho thế giới phải kính nể. Nhưng hết chiến tranh lại để dân đói khổ, than oán thì nhục, nhục lắm, có tội với tổ tiên, với xương máu của nhân dân! Khi Hải Phòng khoán hộ, đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui cùng đi ông đi thăm đồng. Ngày 30 Tết năm 1980, ông Đỗ Mười xuống chúc tết Hải Phòng, nhìn cảnh nông cày cấy rợp đồng, phải tốt lên: “Chỉ có khoán mới có chuyện làm ăn chăm chỉ của nông dân như thế này”.

“Có bệnh thì phải chữa thôi”

“Như vậy là đã 30 năm đổi mới nếu tính từ mốc điểm đại hội VI - 1986, và cả 35 năm nếu tính từ thời kỳ khởi đầu manh nha khoán nông nghiệp 1980”- trở lại thời sự, ông “xé rào” Đoàn Duy Thành lại trầm ngâm suy tư. Ông kể mình vẫn hay ra đường phố, về nông thôn, để lắng nghe tiếng lòng của nhân dân. Khi Hải Phòng chuẩn bị đổi mới hồi cuối những năm 1970, có lần ông đã phải trả lời những người phản đối mình: “Nếu tôi không làm, thì người dân đói khổ sẽ xử tôi và xử cả các anh”. Suy cho cùng, mọi cuộc đổi thay, đổi mới nào cũng xuất phát từ chính nhân dân, do nhân dân thúc đẩy. Đây là lúc cần phải soi rọi lại tất cả, gặt hái những cái đúng, nhận diện trung thực những cái sai, để tránh dẫm chân vào vết cũ. Mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua, tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nếu thật sự biết lắng nghe tiếng lòng của nhân dân.

Ông Thành kể: “Hồi còn ở tù Côn Đảo, ông đã nghiền ngẫm Khổng Tử trong Kinh Xuân Thu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên” (nhà nước lấy dân làm gốc, người dân lấy ăn làm trước). Sau này, các cuộc cách mạng phương Tây đã nêu cao khẩu hiệu hợp lòng dân: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh bình đẳng”. Từ hồi còn làm chủ tịch, bí thư ở Hải Phòng, rồi về Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đoàn Duy Thành luôn được gọi (lẫn bị gọi) là “người xé rào”, lời khen tiếng chê đều đủ cả. Nhắc lại chuyện thế thái nhân tình mà nặng nề hơn là những quy chụp chính trị vào mình, đến giờ ông vẫn thanh thản: “Nếu chỉ muốn an thân, trước sau đều vuông tròn cả, thì về nhà đuổi gà, cày ruộng, lo đầy nồi cơm cho vợ con là tốt rồi. Còn làm cán bộ mà sợ tiếng đời, nghiêng ngả với dư luận thị phi, thì làm sao dám đứng mũi chịu sào với dân với nước được”.

Trăn trở chuyện lớn, ông chạm luôn cả việc nhỏ, chăm sóc đời sống của chính nhân viên mình. Bởi theo ông, nhà mình mà không no thì làm sao lo bên ngoài nổi. Thời còn ở Bộ Ngoại thương, chính ông đã phê bình thẳng thắn mấy cán bộ có xe máy mà giấu sau nhà, không dám chạy vì sợ tiếng “tư sản”, có bộ vét cũng giấu để mặc áo đại cán cho ra vẻ giản dị. Ông nói làm đối ngoại mà ăn mặc lôi thôi, chỉ để người ta khinh, chứ được gì. Cơ quan tăng gia bằng việc ép than bán lẻ, bữa ăn trưa của cán bộ nhân viên cũng kham khổ. Ông kêu dẹp đi để lập công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Cơ quan ngoại thương được hưởng đầy đặc quyền đặc lợi của Nhà nước mà không lo nổi cho mình thì giúp được gì cho đất nước... 

Ông Đoàn Duy Thành sinh năm 1929 ở Hải Dương, sớm tham gia kháng chiến. Tháng 9.1951, ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và từng tổ chức vượt ngục. Về làm quản lý, ngoài thành công khoán hộ nông nghiệp ở Hải Phòng, lấn biển, ông còn đi đầu trong việc xây dựng đội tàu kinh doanh quốc tế. Hải Phòng trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh nhất nước... Thời kỳ quốc gia bị lạm phát nặng, ông Thành là một trong những người đầu tiên đề ra chủ trương nhập vàng để góp phần ổn định tình hình đồng tiền mất giá và tạo nguồn thu cho ngân sách đang rất khó khăn. Tổng cộng đã nhập được 160 tấn vàng, lãi hơn 1 tỉ USD, góp phần giảm lạm phát từ 780%/năm xuống còn 67% vào năm 1990.   

 

Gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân tan tác như gió heo may làm ông Thành nặng trĩu lòng. Người từng lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trước khi về hưu này trăn trở: “Nhìn vào từng vụ việc cụ thể đều có sai phạm. Chức trách của cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý sai phạm đó. Điều này là không thể tránh khỏi, như có bệnh thì phải chữa thôi. Nhưng thật tâm tôi vẫn nghĩ phải làm sao để người ta đừng sai phạm thì mới giải quyết tận căn gốc của chứng bệnh kinh tế nan y này”. Nhấp ngụm trà nóng và trầm ngâm thật lâu, ông tâm sự tiếp với tôi về quan điểm xây dựng môi trường kinh tế phát triển lành mạnh cũng giống như chăm sóc một cái cây. Lá bệnh, cành sâu phải bị cắt bỏ là tất yếu. Nó cũng giống như hiện trạng xử lý doanh nghiệp sai phạm hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả là cần chăm sóc bộ gốc, thân cho thật lành mạnh, và tạo ra môi trường tổng thể thật tốt, để cái cây ấy phát triển không nhiều sâu bệnh mới là giải pháp căn cơ. “Một vết đứt tay cũng đau. Hàng loạt nội thương như các ổ ung thư lây lan làm sao không nhức nhối được. Những vụ lừa đảo, quản lý yếu kém gây thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng hiện nay chính là các ổ ung thư đó. Mất mát vật chất cho nền kinh tế đã nặng nề. Thiệt hại niềm tin xã hội càng đáng lo hơn. Cắt bỏ khối u đi chỉ là giải pháp tình thế.  Cái chính là làm sao điều trị được nguồn cơn của chứng nan y đó. ”- ông Thành ưu tư

Trăn trở chuyện thời cuộc với tôi, ông Thành như tự sự với chính mình:  “Cả đời tôi vẫn suy tư câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hệ thống luật pháp chúng ta đang còn những kẽ hở gì, môi trường hoạt động kinh tế  khiếm khuyết thế nào, mà nhiều doanh nghiệp tan tác như thế? Nếu nói do tình hình kinh tế chung thì chỉ đúng một phần. Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay khu vực gần Việt Nam đâu còn bị tình trạng này nữa. Họ đang phát triển rất tốt”. Ông Thành kể có một kỷ niệm ở Malaysia, cứ làm ông suy tư mãi. Thập niên 1990, ông qua Malaysia, thấy dân nước này xếp hàng rồng rắn vào Singapore xin việc. Thế mà chỉ 10 năm sau, qua thập niên 2000, ông lại thấy người dân lao động các nước khác đổ vào Malaysia. Họ đổi thay và phát triển tuyệt vời, mà nhân tố chính là đường lối phát triển kinh tế có chiến lược đúng đắn ...  

Trước khi tiễn tôi về, ông Thành ký tặng quyển sách mình viết và thanh thản chia sẻ chuyện gia đình. Ông nói hay tâm sự với các con đang làm cán bộ nhà nước rằng trước khi quyết định làm việc gì hãy tự hỏi mình hai câu: Có lợi cho dân không? Ý kiến của dân thế nào? Trả lời được hai điều này, việc mình làm sẽ hợp lòng dân.  Còn chuyện đời sao tránh được thăng trầm, trái ngang, nên cần có tấm lòng hoà giải, vị tha. Đò qua sông hết sóng dữ, anh em vẫn là anh em. Gặp nhau cười một tiếng, trôi hết hận thù …

Bắt tay tạm biệt ông Thành bên hè phố, tôi lại nhìn thấy lời chào bằng ánh mắt tràn ngập tia cười của ông với những người hàng rong lam lũ qua đường.

 

Theo Báo Lao động

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển