Như vậy, chỉ còn bước cuối cùng là Nghị viện Châu Âu (EP) và 28 nước thành viên EU phê duyệt. Gần như chắc chắn EVFTA sẽ được hai bên chính thức ký kết vào cuối năm nay...

 

br class=

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và EU giai đoạn 2011-2017. Nguồn: TCHQ

Tiếp cận thị trường 15.000 tỷ USD

Đây là một trong những thoả thuận thương mại quan trọng nhất từ trước tới nay mà VN đã ký kết với các quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Đặc biệt với một quốc gia dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam thì đây là cách tiếp cận toàn diện và tốt nhất ở một thị trường 500 triệu dân và GDP lên tới 15.000 tỷ USD.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU có hiệu lực, trong 10 năm tới, chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình từ 4-6%/năm. Đây là một con số vô cùng ấn tượng với một quốc gia dựa nhiều vào XK như Việt Nam. Người ta tính toán, giả sử EVFTA có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 6 tỷ USD ngay trong 1 đến 2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới năm 2028, sẽ tăng thêm từ 75 đến 76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA.
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dự báo như vậy, là bởi theo các cam kết của EVFTA, Hiệp định này cho phép cắt giảm thuế lên tới 99%, hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế suất từ 0-5%. Với thuế suất như vậy, các doanh nghiệp và hàng hoá Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn với các đối thủ khác đang XK vào thị trường này.

Nếu nhìn vào mặt cắt giảm thuế quan, rất dễ để nhận thấy mặt hàng chế biến, chế tạo sẽ có mức độ cắt giảm thuế quan lớn hơn các mặt hàng thô và sơ chế. Chẳng hạn, với mặt hàng XK giầy dép, trước nay EU là một thị trường lớn, nhưng gần đây đã tụt xuống vị trí thứ 2, sau Hoa Kỳ. Hiện, xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng 31,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi thị trường Mỹ đang dẫn đầu với mức tăng trưởng tốt và ổn định, từ 10-20%, với tỷ trọng lên tới 34,8%. Điều này cũng phản ánh sức tiêu thụ của thị trường EU đã có sự suy giảm. Tuy nhiên, khi EVFTA được thực thi, chắc chắn vị trí số 1 của thị trường này đối với giày dép Việt sẽ trở lại.

  Khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU có hiệu lực, trong 10 năm tới, chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình từ 4-6%/năm. 

Ở mặt hàng dệt may, một mặt hàng chủ lực XK sang EU, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May nhận định rằng, khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0% thì tốc độ tăng trưởng ở thị trưởng này có thể lên tới 7-8%/năm. Hiện nay, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế từ 7-17%.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn ở thị trường EU như Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (32%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (21%), Tổng Công ty May 10 (36%) và Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (18%) chắc chắn sẽ ghi nhận tăng trưởng đơn hàng rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia quốc tế, riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp Việt Nam xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.
Đối với mặt hàng thủy sản, thuế xuất khẩu tới một số thị trường thủy sản đang rất cao. Đặc biệt, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực EU có mức thuế trung bình 6-20%. Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên).

Thúc đẩy đầu tư

Cũng phải nhắc lại, thời gian qua, kim ngạch thương mại VN – EU đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi EVFTA được ký kết.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại khi EVFTA có hiệu lực chắc chắn sẽ nâng mức đầu tư FDI từ các doanh nghiệp Châu Âu vào Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng trưởng mạnh, đưa EU trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào VN. Nhiều doanh nghiệp EU như Siemens, ABB, Nedspice Processing, Neovia, CCA CGM, Bosch, Ericsson... cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào VN. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, khảo sát mới nhất của EuroCham, 90% doanh nghiệp EU mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam. Hiện tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của EU tại Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD.

Cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư VN - EU từng giờ, từng phút mong Hiệp định được ký kết chính thức, bởi đây là cơ hội để họ gia tăng đầu tư vào thị trường của nhau.