Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Du học không phải là "chiếc đũa thần"

Khoảng mười năm trở lại đây, trào lưu du học nước ngoài hoặc học tại trường quốc tế ở Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của người học khi hướng về môi trường giáo dục được cho là ưu việt hơn. Tuy nhiên, xu hướng trên đặt ra không ít vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Khi hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu toàn cầu thì giáo dục - đào tạo cũng không phải là ngoại lệ; nhất là khi giáo dục - đào tạo trong nước còn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, thì du học đã trở thành xu hướng được nhiều người trong giới trẻ cùng phụ huynh lựa chọn. Số liệu thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, năm 2014 có gần 110.000 công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài, tăng khoảng 5% so với năm 2013. Quốc gia được lựa chọn du học nhiều nhất là Ô-xtrây-li-a. Nếu năm 2013, Ô-xtrây-li-a đón nhận 26.015 du học sinh Việt Nam thì năm 2014 con số này đạt mức 27.550 người (tăng khoảng 6%). Sau Ô-xtrây-li-a là Hoa Kỳ, với 16.579 du học sinh năm 2014 (tăng gần 3% so với năm 2013). Thứ ba là Nhật Bản, theo Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản, số du học sinh Việt Nam tại quốc gia này tính đến 1-5-2014 đã tăng thêm 12.640 người, đưa số du học sinh tại đây lên tới 26.439 người, tăng gần gấp hai lần sau một năm! Theo ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, số du học sinh các năm qua tăng mạnh là có nhiều lý do, trong đó phải kể đến việc nhiều nước mới bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam, đồng thời một số nước tăng suất học bổng, thí dụ nước Nga từ 400 suất năm 2013 lên 600 suất năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên 1.000 suất vào năm 2020; bên cạnh đó là số học sinh du học bằng đề án ngân sách nhà nước, học bổng theo Hiệp định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết, quản lý cũng đã nhiều hơn. Sự cởi mở trong các chương trình hợp tác giáo dục giữa các quốc gia mở ra rất nhiều cơ hội cho người học. Nhưng cần lưu ý: du học sinh có học bổng chỉ chiếm 10% trong tổng số 110.000 du học sinh Việt Nam, còn lại 90% là du học tự túc; và cần lưu ý hơn là trào lưu du học không chỉ gồm học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc có nhu cầu học cao học, nghiên cứu sinh, mà đã mở rộng tới học sinh đang học tại các trường trung học phổ thông, thậm chí đang là học sinh học trung học cơ sở. Các trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), Amsterdam, Trần Phú, Chu Văn An (TP Hà Nội); THPT năng khiếu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Lê Quý Đôn, Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh),… là nơi có học sinh du học từ năm lớp 11, 12 với tỷ lệ cao. Có giáo viên tổng kết sơ bộ và đưa ra con số: mỗi năm các trường này “mất” ít nhất từ một đến hai lớp cuối cấp; còn hiệu trưởng của một trường chuyên tâm sự rằng mỗi năm, nhìn hàng trăm học sinh có học lực khá, giỏi của trường nô nức du học ông không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối bởi không biết có bao nhiêu em trong số đó sẽ quay trở về?

90% số học sinh du học tự túc, cũng tức là mỗi năm gia đình các em phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng học phí, cùng với đó là chi phí nhà ở, ăn mặc, đi lại…; mặt khác, du học sinh phải làm quen với cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người với rất nhiều khó khăn, thách thức. Không ít du học sinh phải lo làm thêm để có tiền trang trải. Tuy vậy, con đường du học vẫn ngày càng được nhiều người lựa chọn vì rất nhiều lý do. Có phụ huynh chia sẻ rằng, họ sẵn sàng chấp nhận tốn kém để con em có môi trường học tập ưu việt hơn, như vậy mới có hy vọng một tương lai tốt hơn, thậm chí chấp nhận “kiễng chân” cho con du học trong điều kiện kinh tế gia đình không dư dả. Thường thì trường được phụ huynh và học sinh lựa chọn là trường có uy tín, bằng tốt nghiệp được quốc tế công nhận có thể xin việc ở bất kỳ đâu, trong khi bằng tốt nghiệp do các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay cấp thì xin việc ở trong nước đã rất khó khăn.

Trào lưu du học phát triển đồng nghĩa với việc một một lượng tiền khá lớn bị chuyển ra nước ngoài để du học sinh trang trải trong thời gian du học. Nếu giáo dục trong nước tiến kịp khu vực và thế giới, chúng ta sẽ không chỉ “giữ chân” được học sinh, mà còn có thể thu hút được du học sinh từ các quốc gia khác tới học tập, nhờ đó các dịch vụ giáo dục - đào tạo sẽ được tái đầu tư và ngày càng phát triển. Sẽ là rất tốt nếu học sinh Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài, có cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến lại trở về đóng góp cho đất nước. Nhưng một số liệu khảo sát cách đây vài năm cho thấy có tới 60% đến 70% số du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài sau khi học xong để học tiếp, hoặc tìm được cơ hội làm việc ở nước sở tại. Thậm chí có du học sinh theo diện cơ quan cử đi học bằng ngân sách nhà nước nhưng học xong đã không trở về phục vụ như cam kết trước khi đi. Điều này gây thiệt hại cả về vật chất lẫn nhân lực cho quốc gia, cũng là yếu tố làm “chảy máu chất xám”. Dù là du học sinh chỉ chiếm khoảng 1% so với tổng số sinh viên cả nước, thì sự trở về của họ đóng góp với đất nước sau khi học tập từ các nền giáo dục tiên tiến của thế giới vẫn có vai trò quan trọng.

Trong khi giáo dục - đào tạo trong nước còn không ít bất cập, trào lưu du học ngày càng tăng, thì chúng ta lại phải đối diện với “làn sóng mới”, đó là việc trường quốc tế ồ ạt mọc lên. Hình thức này được gọi là “du học tại chỗ”. Thay vì học sinh phải ra nước ngoài, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nay có thể học chương trình quốc tế ngay trong nước. Tiêu chí “chi phí nội, chất lượng ngoại, nhận bằng quốc tế ngay trong nước” đã được các trường này khai thác để thu hút học sinh Việt Nam. Một số lượng học sinh đáng kể đã và đang theo học tại hệ thống các trường quốc tế này. Và một lần nữa, sức cạnh tranh của hệ thống giáo dục - đào tạo trong nước lại cần đặt lên “bàn cân” và không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những trường quốc tế đang được mở rầm rộ khắp nơi trong nước. Đó có thể là trường danh tiếng như RMIT (Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne), là chương trình liên kết của các trường trong nước với đối tác quốc tế, người học có cơ hội nhận bằng quốc tế; có khi chỉ là một trường mầm non, nhưng với chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, từ bé trẻ đã được làm quen với ngoại ngữ, được giao tiếp với người nước ngoài, có phương pháp tư duy hiện đại. Và khi chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục - đào tạo trong nước vẫn còn một số hạn chế, thì hướng tới những trường quốc tế được chứng nhận về chất lượng đào tạo là điều nhiều phụ huynh lựa chọn. Rõ ràng với xu hướng mới này, một lần nữa, “thị phần” của giáo dục - đào tạo trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

“Cơn sốt du học” khá nóng nhưng cũng sớm bộc lộ sự bất cập. Không ít phụ huynh, dù còn thiếu thông tin, nhưng vẫn xác định phải cho con đi du học bằng mọi giá. Nắm bắt được tâm lý đó, hàng trăm cơ sở tư vấn du học đã mọc lên khắp nơi. Tình trạng còn thiếu hiểu biết, chạy theo trào lưu, đánh giá cực đoan về việc học ở môi trường quốc tế đã và đang gây hậu quả đáng tiếc cho người học và đã có người phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Điều này được chứng minh qua “làn sóng chạy khỏi các trường quốc tế do vỡ mộng” đã diễn ra ở TP Hồ Chí Minh gần đây. “Làn sóng” này xuất hiện do chương trình đào tạo của một số trường quốc tế là chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam, các môn học cơ sở hết sức quan trọng như văn học Việt Nam, lịch sử Việt Nam đã không có trong chương trình giảng dạy khiến người học trở nên xa lạ với chính môi trường sống của mình. Đã có chuyện thật như đùa rằng có học sinh của trường quốc tế nọ nhầm lẫn Ngày 30-4 là ngày giết sâu bọ...

Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Bởi sẽ là lý tưởng nếu môi trường giáo dục - đào tạo của chúng ta có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, khi đó chúng ta không chỉ chủ động trong công tác giáo dục - đào tạo cho đất nước mình, mà có thể phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ - hợp tác trong lĩnh vực này; thậm chí có thể thu hút được người tài từ nước ngoài đến. Theo TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) thì làn sóng du học tại Trung Quốc cũng diễn ra ồ ạt từ khoảng 10 năm, với hàng trăm nghìn sinh viên du học mỗi năm. Tuy nhiên đến nay, làn sóng du học tại đây đã giảm nhiệt, thậm chí nước này còn trở thành địa chỉ du học của sinh viên, học sinh từ các nước ở trong và ngoài khu vực. Có được điều đó là do sự nỗ lực của ngành giáo dục Trung Quốc trong việc nâng cao chất lượng, mở rộng cánh cửa đầu tư, liên kết đào tạo quốc tế một cách hiệu quả. Đây là điều chúng ta rất cần tham khảo. Thêm nữa, đã đến lúc cần giúp học sinh và phụ huynh nhận thức một cách rành rẽ rằng du học chỉ là cơ hội tốt với người có khả năng, biết nắm bắt thời cơ, thật sự ham học hỏi chuẩn bị cho tương lai; du học không phải là “chiếc đũa thần” có thể biến giấc mơ thành hiện thực, không phải hễ du học hay học tập ở trường quốc tế là sẽ thành tài năng. Tài năng bao giờ cũng do chính người học quyết định.

Theo nhandan.com.vn

Số lượt đọc: 10958 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển