Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 17/05/2024

Đang duyệt: Trang chủ Sự kiện

Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng ứng phó với Biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế biển bền vững (Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam lần thứ IV năm 2012 tại TP. Vũng Tàu)

Bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 thế giới đang đứng trước các nguy cơ: Nguồn tài nguyên trên đất liền đang cạn kiệt, dân số ngày càng tăng, lương thực, thực phẩm và các nhu cầu phục vụ con người ngày càng thiếu thốn, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa trên phạm vi toàn cầu, không gian phát triển kinh tế trên đất liền không còn là chỗ dựa bền vững cho nhân loại.
 
Ngày nay hầu hết các quốc gia đã và đang vươn ra biển đảo và đại dương để tìm kiếm các nhu cầu về nhiên liệu, năng lượng, dầu khí, khoáng sản, thực phẩm để tồn tại. Đồng thời cũng đã xuất hiện những nguy cơ tranh giành tài nguyên trên biển và đại dương của một số nước bất chấp cả chủ quyền quốc gia của nước khác và luật pháp quốc tế…
 
Trong quá trình phát triển của loài người, trong quá khứ và hiện tại đã chứng minh: Các nước có nền kinh tế phát triển nhanh đều bắt nguồn từ các quốc gia có biển và đại dương. Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản… Các hoạt động kinh tế biển Việt Nam diễn ra ở vùng ven bờ trên các đảo, quần đảo, thềm lục địa và vươn ra đại dương bao gồm các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nghề cá. Giao thông vận tải, xây dựng thông tin liên lạc, dịch vụ thương mại, du lịch… Đây là một ngành kinh tế toàn diện, cơ cấu phức tạp và đa ngành.
 
Với chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Với 28 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo). Tổng số diện tích 208.560km2 chiếm 41% diện tích cả nước với 41,2 triệu dân chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Nghị quyết lần thứ 4 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 10 đã đề ra chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP, 55 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
 
Ngày 22/7/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đặc biệt đã đề cập đến “nguồn nhân lực để phát triển các ngành kinh tế biển”, trong đó có nêu: Để đáp ứng một số mục tiêu cơ bản của chiến lược biển đến năm 2020 cần tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực quan trọng như dầu khí, vận tải biển, đóng tàu, du lịch biển, nuôi trồng đánh bắt, chế biến, xuất khẩu hải sản, dịch vụ cảng biển, nghiên cứu khoa học công nghệ biển…; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80% trong tổng số nhân lực của ngành kinh tế biển.
 
Kinh tế biển là ngành tổng hợp, đa ngành nghề và mỗi lĩnh vực lại có tính chuyên nghiệp cao, là ngành sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực cần được tiếp cận một cách tổng thể đồng thời cần có sự phân công chuyên sâu đối với từng lĩnh vực tại mỗi vùng, mỗi địa phương gắn với kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Từ khi có nghị quyết của Đảng các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chương trình hành động cho từng lĩnh vực và ở trên địa bàn của mình bước đầu triển khai có những kết quả đáng khích lệ.
 
Các đảo lớn như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vân đồn… đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, cung cấp nước ngọt, trường học, bệnh xá, bố trí lại dân cư, tham gia vào phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch… đảm bảo tốt công tác quốc phòng an ninh, đồng thời đã hình thành hệ thống ở ven bờ các cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau…
Tính đến cuối năm 2010 cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249 ha, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ VNĐ. Số dân cư sống ở các vùng ven biển tăng lên rất nhanh, bao gồm hàng triệu người làm nghề vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Nhiều thị trấn, thị tứ, khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển của đất nước.
Tuy nhiên những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, chiến lược Biển chưa được quán triệt trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng, việc phát triển kinh tế biển trong thời gian qua chưa quan tâm đầy đủ đến đào tạo nhân lực, chưa lồng ghép các chương trình phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Nhiều địa phương, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cư dân ven biển còn thờ ơ với tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế biển bền vững, chưa nhận thức đầy đủ: Ngành kinh tế biển là ngành đầu tiên chịu sự thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra.
 
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới: Việt Nam có bờ biển dài và hai đồng bằng châu thổ có cao độ thấp, là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Theo tính toán đến năm 2100, mặt nước biển dâng 75cm. Diện tích nằm dưới mặt nước biển của đồng bằng sông Hồng có thể tới 290.000 ha (chiếm 30% diện tích), ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,5 - 2 triệu ha (chiếm 40 – 50% diện tích), diện tích bị nhiễm mặn lên tới 2,2 – 2,9 triệu ha. Điều này cho thấy thảm họa không còn là viễn cảnh mà rất cận kề đối với đất nước ta nếu không có chiến lược và biện pháp quyết liệt từ hôm nay.
 
Để phát triển kinh tế biển bền vững đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần khẩn cấp tập trung vào các công việc trọng yếu sau:
 
1. Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu, về bảo vệ chủ quyền biển đảo, về phát triển của ngành kinh tế biển, xem đây là ba mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Làm thế nào để các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và toàn thể nhân dân ở các tỉnh có biển đảo phải có sự chuyển biến trong hành động, đòi hỏi họ phải thay đổi hành vi và cách ứng xử đối với thiên nhiên trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, làm cho họ hiểu và quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo cho các cơ quan chức năng cần tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 của Ban chấp hành TW Đảng khóa X về chiến lược Biển, về quy hoạch nhân lực để phát triển các ngành kinh tế Biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo trở nên cấp bách.
 
2. Các địa phương, các ngành khẩn trương xây dung chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi,… có sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình, lập bản đồ về các mối hiểm nguy, kế hoạch lưu giữ nước ngọt, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng. Đồng thời làm cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương chấp nhận sống chung với biến đổi khí hậu một cách ổn định, lâu dài. Từ đó học tập, không ngừng nâng cao kỹ năng ứng phó và thích ứng với các mối hiểm họa xảy ra.
 
3. Trước mắt cần có những giải pháp linh hoạt phù hợp với từng ngành, từng địa phương, từng nhóm nghề nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn để nâng cao nhận thức gắn với hành động trong việc phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Huy động cộng đồng tham gia vào việc kiên cố hóa đê điều, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng. Tổ chức các tổ đoàn kết, hợp tác xã, vận tải trên biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản,… để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất ứng phó với bão tố, sóng thần và sự xâm phạm chủ quyền của các lực lượng thù địch. Nhân rộng các mô hình: Xây nhà chống lũ ở miền Trung; nhà chống bão ở đồng bằng sông Cửu Long; dự trữ lương thực, nước uống và ghe thuyền cho mỗi hộ gia đình. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”: chỉ huy điều hành tại chỗ; huy động lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ; vật tư lương thực tại chỗ. Thành lập lực lượng ứng phó từ TW, tỉnh, huyện, xã có đủ năng lực giải quyết nhanh, hiệu quả các tình huống xảy ra, không chỉ với biến đổi khí hậu mà cả bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.
 
4. Kiện toàn hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống cảnh báo sớm và dự báo thời tiết, thông suốt liên lạc từ TW đến tỉnh, huyện, xã; từ đất liền đến hảI đảo và biển khơi. Xây dựng khung thể chế và cơ chế phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các tổ chức sau: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão; Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Trung tâm quốc gia dự báo khí tượng thủy văn; Trung tâm tìm kiếm cứu nạn; Văn phòng thường trực về biến đổi khí hậu; các lực lượng ứng phó chuyên nghiệp tỉnh, huyện, xã và các tổ chức xã hội dân sự…
 
5. Nhà nước tăng cường đầu tư xây dung mới và củng cố hệ thống đê biển vững chắc, phát triển hệ thống rừng và rừng ngập mặn, trước mắt triển khai sớm hệ thống đê biển ở vùng thấp và vùng ngập nước. Quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đô thị ven biển và hải đảo cho phù hợp với tình hình mới. Ưu tiên giải quyết di dời cơ sở hạ tầng, dân cư ở những vùng có nguy cơ ngập nước, bổ sung lực lượng lao động có chất lượng cho huyện đảo và quần đảo.
 
6. Khẩn trương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực: tuyển chọn, lai tạo giống cây lương thực, cây công nghiệp, giống nuôi thủy, hải sản,… hệ thống cảnh báo nước lũ, bão lụt, sóng thần,… Đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước,…
 
7. Gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển, lao động ven biển và tuyến đảo không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, có khả năng tự mình xử lý những sự cố phát sinh hiện nay và cả trong tương lai. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Đồng thời đề nghị Chính phủ giao cho các Ngành chức năng xây dựng các giáo trình có liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế Biển, an ninh quốc phòng vùng biển… thành môn học để giảng dạy tại các cấp học chính quy và không chính quy ở các tỉnh có biển đảo.

8. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ thu hút các nguồn vốn ODA của các nước có liên quan đến việc phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu….
 
9. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, nguồn vốn xây dựng cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo của Chính phủ; nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.
 
Phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo là một cuộc chiến hết sức phức tạp, lâu dài, hao người, tốn của, qua nhiều thế hệ hôm nay và cả mai sau. Dân tộc Việt Nam có giàu mạnh hay không? Chủ quyền biển đảo có bảo vệ được hay không? Kinh tế Biển có phát triển bền vững hay không? hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng nông ngư dân ven biển, hải đảo...
 
 
 
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam
 
 
 
 
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển