Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn.

“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là cụm từ được nói nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến nhận định rằng, Việt Nam có thể chớp cơ hội để tăng tốc phát triển kinh tế từ việc đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sau khi đã bị tụt hậu trong ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.                    

Đáng chú ý, trong bốn vị diễn giả được lựa chọn để báo cáo tại phiên họp thì có hai vị là lãnh đạo của doanh nghiệp, đó là: Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và PGS, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT. Có thể cảm nhận được rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ muốn nghe những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, có thể áp dụng được ngay, sớm tạo ra đột phá cho nền kinh tế đất nước, chứ không chỉ là những vấn đề còn đang ở trạng thái nghiên cứu xa xôi. Trong thời gian qua, Viettel và FPT đều đã có những bước đi rất nhanh để chớp cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Có thể hiểu rằng, công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cloud, IoT..., là sự tích hợp cao độ hệ thống siêu kết nối-vật lý. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là những cuộc cách mạng được thực hiện trong các nhà máy, xí nghiệp, với những máy móc đồ sộ, dành cho những nhà đầu tư nhiều tiền, nhiều công nghệ, nhiều nhân lực chất lượng cao thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của toàn dân, dựa trên trí tuệ toàn dân. Với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, trọng tâm là các doanh nghiệp lớn. Với cách mạng 4.0 thì trọng tâm là từng người dân, từng hộ gia đình, từng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là cuộc cách mạng của ý tưởng sáng tạo. Ai nhiều ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thì người đó sẽ giành chiến thắng. Mà những ý tưởng sáng tạo đó thường xuất phát từ việc phát hiện các vấn đề và nhu cầu của cuộc sống, từ đó nghiên cứu và tìm ra các giải pháp công nghệ để đáp ứng. Ví dụ như, hiện nay ách tắc giao thông đang là một trong những trở ngại của phát triển. Đó sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nghiên cứu hệ thống chỉ huy giao thông điện tử, rồi các giải pháp để giúp công việc vẫn được thực hiện ngay cả khi con người bị chôn chân tại chỗ trên đường. Hay như, trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng sổ y bạ điện tử sẽ giúp người dân có thể được theo dõi sức khỏe thường xuyên, từ đó được chăm sóc sức khỏe tốt hơn...

Về cơ hội và thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PGS, TS Trương Gia Bình khẳng định rằng, điều thuận lợi cho Việt Nam là ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng mới ở giai đoạn đầu trong cuộc cách mạng này. Vì thế, xuất phát điểm của nước ta với các nước khác không có sự khác biệt quá lớn. Hơn nữa, người Việt Nam rất thông minh, nhiều ý tưởng, vì thế đất nước ta có rất nhiều cơ hội vượt lên.

Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có thể thong dong, vì hiện nay hầu hết các nước đều đang rất quyết liệt đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm tăng tốc, chiếm ưu thế trong cuộc cách mạng công nghiệp mới này. Nếu không khẩn trương, Việt Nam chúng ta sẽ lại một lần nữa bị bỏ lại phía sau.

Vậy làm thế nào để có thể khẩn trương chớp cơ hội? Làm thế nào để Việt Nam đi trước trong cuộc cách mạng này?

Để thực hiện thành công được một cuộc cách mạng liên quan đến công nghệ dĩ nhiên sẽ có nhiều yêu cầu, nhiều điều kiện kèm theo. Thế nhưng, theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, những gì liên quan đến nền tảng thì cần phải được triển khai trước, đó là nền tảng về kết nối, về hệ tri thức, cơ sở dữ liệu quốc gia về các vấn đề và nhu cầu. Yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng có một hạ tầng viễn thông băng thông rộng hiện đại nhất, rộng nhất tới mọi vùng miền của Tổ quốc, để từ đó, toàn dân nhất là giới trẻ có cơ hội để tiếp cận, có hệ sinh thái để thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, những khoản đầu tư rất lớn cho hạ tầng, cho những vấn đề nền tảng nói trên có thể và nên giao cho doanh nghiệp làm, không cần phải đổ ngân sách để đầu tư.

Để thực hiện nhiệm vụ đó của quốc gia, giúp đất nước chớp được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ trong 6 tháng vừa qua, Viettel đã “thần tốc” đầu tư xây dựng một hạ tầng viễn thông 4G rộng khắp cả nước, phủ cả vùng xa xôi nhất, điều chưa có tiền lệ trên thế giới. Hạ tầng 4G này lớn hơn cả hạ tầng 3G hiện nay, ngay lập tức đưa Việt Nam vào nhóm nước có hạ tầng 4G hiện đại nhất và có tỷ lệ phủ sóng đến người dân tốt nhất thế giới. Dự kiến ngày 18-4 tới đây, Viettel sẽ chính thức khai trương mạng 4G. Đồng thời, Viettel cũng đang nghiên cứu mạng 5G.

Chúng ta đang ở trong thời khắc lịch sử. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho đất nước ta, dân tộc ta vươn lên trong cạnh tranh toàn cầu. Để chớp được cơ hội ấy, không phải chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, mà là nhiệm vụ của toàn dân, toàn xã hội. Điều quan trọng là mỗi người đều phải mang trong mình khát vọng quốc gia, từ đó xác định đúng vai trò, nỗ lực đóng góp để đất nước tăng tốc, lên kịp những toa đầu tiên của “con tàu công nghiệp 4.0”.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Theo www.qdnd.vn