Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 20/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

CĂN NGUYÊN "BÙNG NỔ" GIÁO SƯ; CHỜ CÂU TRẢ LỜI MINH BẠCH...

 

Căn nguyên 'bùng nổ' giáo sư

Trong số giáo sư, phó giáo sư được 'phong hàm', không ít người chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.

Căn nguyên bùng nổ giáo sư  - Ảnh 1.

Hội thảo về cải tiến công tác xét học vị và chức danh khoa học - Ảnh: HĐCDGSNN

Trong đợt xét công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2016, số người được công nhận lên tới 703 (bao gồm 65 GS và 638 PGS) đã làm xôn xao dư luận xã hội. Nhưng số được công nhận của năm 2017 còn vượt xa hơn thế với 1.226 vị được trao giấy chứng nhận, khiến dư luận lại bị "chấn động" hơn nữa. 

Xung quanh số liệu tăng vọt đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Những người được công nhận đó có thực sự đạt chuẩn? Số lượng GS và PGS ở nước ta hiện nay là nhiều hay ít? Việc tăng nhanh số lượng GS và PGS có giúp nền khoa học và giáo dục thêm vững mạnh?...

Từ quyết định năm 1976

Lời giải đáp cho những câu hỏi đó phải được tìm từ nguồn gốc của vấn đề: giáo sư là gì (thuật ngữ "giáo sư" ở đây xin được dùng chung cho cả GS và PGS)? Họ đảm đương chức trách gì trong nền giáo dục? Phải là người thế nào mới có thể trở thành giáo sư?

Theo mô thức quốc tế, giáo sư (professor) là chức vụ chuyên môn học thuật cao nhất và quan trọng nhất trong hệ thống giáo chức đại học, thường được chia thành 3 bậc là giáo sư thực thụ (full professor), giáo sư phụ tá (associate professor) và giáo sư trợ lý (assistant professor). 

Giáo sư là người chịu trách nhiệm cao nhất về khoa học của một bộ môn học thuật với những giáo trình trọng yếu được giảng dạy và các đề tài nghiên cứu của nó.

Thấp hơn giáo sư là cấp giảng viên (lecturer) thường có ba bậc là giảng viên chính (senior lecturer hay full-time lecturer), giảng viên (lecturer) và trợ giảng (associated lecturer hay part-time lecturer) có trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu những bộ môn do các giáo sư chủ trì. 

Ở Việt Nam, GS (tương tự như full professor) và PGS (tương tự associate professor) cũng chiếu theo mô thức này; nhưng chức trách, tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn của các danh xưng đó thì lại khác.

Quyết định số 162/CP ngày 11-9-1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc "phong hàm GS, PGS cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu được tôn vinh" đã khởi đầu cho sự hiện diện các GS và PGS trên toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. 

Theo đó, GS và PGS là các phẩm hàm để phong thưởng tôn vinh những cán bộ khoa học và giáo dục có thành tích, chứ không phải là những chức vụ khoa học để các nhà chuyên môn đảm trách; đồng thời đó là những GS và PGS chung cho "tất cả các ngành nghề chuyên môn" trong cả nước, chứ không chỉ là GS và PGS của riêng các trường đại học; và quyền xét phong thưởng này thuộc về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, chứ không phải là một cơ quan khoa học.

Từ cách quan niệm và thực hiện như vậy, tiêu chuẩn xét duyệt để "phong hàm" sẽ thiên về số lượng sản phẩm và thời gian hoạt động đáp ứng các thủ tục hành chính, hơn là xác định giá trị các công trình khoa học của các ứng viên. 

Do đó, bên cạnh những nhà khoa học thực sự xứng đáng với chức vụ GS hoặc PGS, nhiều người được "phong hàm" chỉ là để đánh bóng tên tuổi và tiến thân trên con đường danh vọng, mà không phát huy được tác dụng nào trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học; một số không ít trong đó chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự.

Tiếp theo đó, Hội đồng học hàm nhà nước được thành lập để "xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm GS, PGS cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn" (nghị định số 21/CP ngày 4-3-1995 của Thủ tướng Chính phủ). 

Như vậy, việc "phong học hàm" của Thủ tướng đã được chuyển thành việc "công nhận học hàm" do hội đồng thực hiện. Thế tức là quyền xét cấp học hàm đã được chuyển từ cơ quan hành chính cao nhất sang một hội đồng khoa học.

"Sự mù mờ về chức trách dẫn tới sự bất cập về quy trình và tiêu chuẩn tuyển chọn, khiến các chức danh GS và PGS chủ yếu vẫn là để tôn vinh và hưởng lợi, mà không gắn chặt với sứ mệnh khoa học của một bộ môn trong một trường đại học cụ thể nào"

TS LÊ VINH QUỐC

"Hữu danh vô thực"

Mặc dù có những sự chuyển đổi như vậy, bản chất của các "học hàm" vẫn không thay đổi. Các GS và PGS vẫn là của "tất cả các ngành nghề chuyên môn" chứ không thuộc về hệ thống giáo chức đại học. 

Các học hàm vẫn chỉ là để "tôn vinh" người được công nhận, chứ không phải để họ làm việc với chức trách tương xứng với "hàm" của mình. Tiêu chuẩn xét duyệt vẫn căn cứ vào thâm niên công tác, số giờ giảng dạy, số lượng các bài viết (không rõ chất lượng khoa học đến đâu).

Vì vậy, chất lượng của các "học hàm" vẫn không được cải thiện. GS Hoàng Tụy đã chỉ ra rằng: "Các tiêu chuẩn định lượng bằng cách tính điểm như của ta có vẻ chặt chẽ khoa học, song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học". 

Ông khẳng định "quan niệm học hàm kiểu phong kiến" với "các tiêu chuẩn định lượng" như vậy đã dẫn đến "hậu quả là ta có quá nhiều GS, PGS hữu danh vô thực, cách xa chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng mất đi không ít những nhà khoa học trẻ tài năng mà lẽ ra, nếu được công nhận vị trí xứng đáng, đã có thể đóng góp nhiều cho đất nước". 

Giáo sư Tụy nói hoàn toàn đúng, nhưng ông vẫn còn chưa tính đến con đường bí mật để "chạy học hàm" mà chỉ những người trong cuộc biết với nhau sẽ làm tăng nhanh số "hữu danh vô thực" này.

Nhận thấy khái niệm "học hàm" không phù hợp với mô thức quốc tế và việc "công nhận" nó chưa đủ sức mạnh pháp lý, Chính phủ cho ban hành nghị định số 20/2001/NĐ-CP (năm 2001) "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS"; trong đó "Hội đồng chức danh nhà nước" được thành lập thay cho Hội đồng học hàm trước kia. 

Nghị định này dẫn tới 3 sự thay đổi so với trước: "học hàm" GS, PGS trở thành "chức danh"; việc "công nhận học hàm" được thay bằng một quy trình hai công đoạn là "xét công nhận" và "bổ nhiệm vào ngạch"; đồng thời tiêu chuẩn được bổ nhiệm vào ngạch là phải có dạy đại học.

Nhìn chung, những sự thay đổi này là đúng hướng, nhưng vẫn mang nặng tính hình thức mà chưa dẫn đến một sự biến chuyển về thực chất nào…

Chưa phải là giáo sư thực thụ

Để tiếp tục đổi mới quy trình công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS của nước ta, Chính phủ đã ban hành quyết định 174/2008/QĐ-TTg (năm 2008) và quyết định 20/2012/QĐ-TTg (năm 2012), được Bộ Giáo dục và đào tạo cụ thể hóa bằng các thông tư 16/2009/TT-BGDĐT (năm 2009) và thông tư 20/2012/TT-BGDĐT (ngày 11-9-2012).

Theo đó, công đoạn "xét công nhận" vẫn thuộc quyền Hội đồng chức danh nhà nước; còn công đoạn "bổ nhiệm vào ngạch" được chuyển cho hội đồng chức danh cơ sở (thuộc các trường đại học) và hội đồng chức danh ngành (hoặc liên ngành). Sự đổi mới về hệ thống tổ chức xét duyệt như vậy có vẻ đã đưa các GS và PGS của ta tiến gần tới hình thức "GS đại học" quốc tế; nhưng vẫn chưa phân biệt được chức trách của các chức danh này với các giảng viên bình thường ở trường đại học, nên các GS và PGS được bổ nhiệm vẫn chưa phải là GS thực sự.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

 

Chức danh giáo sư, chờ câu trả lời minh bạch

Dư luận chờ đợi sự rà soát minh bạch của 28 hội đồng, cũng như những phán quyết nghiêm, để lấy lại lòng tin, chấn chỉnh hoạt động xét duyệt, công nhận giáo sư đang dấy lên quá nhiều nghi ngại.

Chức danh giáo sư, chờ câu trả lời minh bạch - Ảnh 1.

Con số kỷ lục tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 khiến chính những người đã từng nhiều năm đảm trách công việc chuyên môn tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng phải giật mình.

"Nghe tin có thêm hơn 1.200 người được công nhận giáo sư, phó giáo sư, tôi phải điện ngay cho anh em ở văn phòng hội đồng hỏi về lý do xuất hiện con số khủng. Có người giải thích, nhưng tôi cho rằng đánh giá khoa học phải nghiêm túc, không thể nói vì hạn nộp hồ sơ thêm vài tháng, hay vì tính "nhân văn" của "chuyến tàu cuối"... Vài ngày sau, Thủ tướng đã ra văn bản yêu cầu rà soát"- TS Đỗ Đức Tín- người nhiều năm làm trưởng phòng chuyên môn tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước- tâm tư.

"Chuyến tàu" trước khi thực hiện quy định mới với những tiêu chuẩn cao hơn đã cho kết quả "khó thể tưởng tượng".

Lịch sử Hội đồng chức danh GS Nhà nước từng ghi nhận đợt xét công nhận chức danh GS, PGS những năm 1991-1992 cũng có thêm hàng nghìn người được phong giáo sư, phó giáo sư.

Nhưng nói như nhiều chuyên gia, sự so sánh này vẫn quá khập khiễng khi đợt xét chức danh của 1/4 thế kỷ trước được thực hiện cộng dồn cho 5-6 năm/đợt với tiêu chuẩn rộng rãi hơn, còn hiện nay, năm nào cũng xét duyệt, rồi tấp nập vinh đanh...

Thủ tướng đã có chỉ đạo kịp thời cho một cuộc tổng rà soát ngay khi dư luận hoài nghi về đợt xét duyệt kỳ lạ. Phản ứng của Thủ tướng nhanh nhạy, kiên quyết, nhưng vấn đề dư luận quan tâm chính là việc thực thi và giám sát thực thi chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.

Đã có một vài trường hợp làm dư luận nghi ngại khi công việc hành chính, bàn giấy ở bộ này ban kia, không dính dáng gì đến giảng dạy, lại bất ngờ đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Chỉ cần tập trung vào thành tích nghiên cứu, năng lực tiếng Anh, về số giờ giảng trên lớp…

Nếu có trường hợp không đạt chuẩn, cần kiên quyết loại bỏ, đồng thời công khai xử lý nghiêm cả hội đồng đã thông qua trước đó.

Dư luận đang chờ đợi sự rà soát minh bạch của 28 hội đồng ngành, liên ngành, cũng như những phán quyết nghiêm từ Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Nhưng nhiều người cho rằng chính Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước là nơi chịu trách nhiệm về chuyến tàu vét bất thường này, nay lại đứng ra phân xử thì liệu có công tâm? Liệu có ai dũng cảm lấy đá ghè chân mình? Liệu "vừa đá bóng, vừa thổi còi" có đủ khách quan để tìm ra một đáp số đúng? Thậm chí, có ý kiến đặt vấn đề thẳng thắn: Liệu có ai tin khi "nghi phạm" lại vào vai "quan tòa" để xử án?

Một cuộc rà soát minh bạch với quy trình khách quan, độc lập có thể làm mất đi chức danh khoa học ở những ứng viên không đủ chuẩn. Nhưng cái được là lấy lại lòng tin, chấn chỉnh hoạt động xét duyệt, công nhận giáo sư đang dấy lên quá nhiều nghi ngại.

Cái được lớn hơn nữa là những người háo danh không đủ tiêu chuẩn không còn dám mon men, chạy chọt cho bằng được. Đó cũng là cách để tôn vinh những giáo sư đích thực, không để vàng- thau lẫn lộn.

Ngọc Hà

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Văn bản hỏa tốc này cho hay, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước.

Bên cạnh đó là nhiều lo ngại về chất lượng như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...

Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.

Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố số lượng các tân giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017. Theo đó năm 2017 Việt Nam có thêm hơn 1.200 tân GS, PGS.

Trong số 85 giáo sư được xét duyệt lần này thì có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng  924 bài, trung bình 16,5 bài/giáo sư có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%.

Như vậy, khoảng 34% giáo sư được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế. 

Đối với phó giáo sư, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. 

Những ngành có ít bài báo khoa học chủ yếu thuộc các ngành xã hội. Trong đó, ngành Luật có 13 người được xét tặng phó giáo sư nhưng cũng không có bài báo nào đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Ngành ngôn ngữ học cũng có 22 người được xét duyệt phó giáo sư và cũng không có bài báo trên ISI/Scopus nào. Có thể nói, ngành Luật học và ngành Ngôn ngữ học là hai ngành “trắng” bài báo khoa học trên ISI/Scopus.

Ngành Khoa học an ninh, khoa học quân sự năm nay có 93 người được xét duyệt danh hiệu phó giáo sư nhưng chỉ có 1 phó giáo sư có 1 bài báo đăng trên tạp chí nổi tiếng thế giới.

Ngành giáo dục học có 32 phó giáo sư được xét duyệt nhưng chỉ có 3 phó giáo sư có bài báo khoa học với 4 bài. Ngành Tâm lý học có 17 người được xét duyệt phó giáo sư nhưng chỉ có hai người có 6 bài báo trên ISI/Scopus. Ngành triết học – xã hội – chính trị học có 26 phó giáo sư được xét duyệt nhưng chỉ có 2 người có bài báo trên ISI/Scopus.

ĐỖ HỢP

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: tuoitre.vn; www.tienphong.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển