Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

“ TRÍ THỨC HOÀN TOÀN” VÀ “ TRÍ THỨC MỘT NỬA”

Vai trò đặc biệt của trí thức đối với xã hội nói chung và sự nghiệp cách mạng nói riêng, từ lâu đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khảng định. Tuy nhiên, không phải là tất cả và cũng không phải là mọi lúc, mọi nơi, đội ngũ trí thức đều làm tốt và phát huy được vai trò của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “ Một người đã học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn”(1). Người còn nói: “ Lao dộng trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lí luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức một nửa(2).

Theo kết quả khảo sát của đề tài “ Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Lâm Đồng” ( năm 2013 ) của Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật tỉnh thì có trên 50,3% số người được hỏi trả lời không có các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dung khoa học – công nghệ và có 17,8% không tham gia, 50,5% chỉ thỉnh thoảng tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

Tất nhiên không thể kết luận những ai không có các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ hoặc không tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội chưa phải là “trí thức hoàn toàn” hay còn gọi là “trí thức một nửa” ( theo cách dùng từ của Bác ) song những con số khảo sát nêu trên cho chúng ta khá nhiều suy nghĩ. Đó là còn chưa kể khá nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích có được trên đất Lâm Đồng vừa qua lại được các nhà khoa học “chân đất” – những nông dân, nghĩ ra mà không phải là các nhà trí thức. Điều đó phản ảnh phần nào thực trang đội ngũ trí thức của tỉnh ta còn yếu về năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, những bức xúc của thực tiễn cuộc sống chưa tìm được những người trí thức để có lời giải hoặc những trăn trở suy nghĩ của người trí thức lại không bắt gặp nhu cầu của cuộc sống. Phải chăng, đã có tình trạng “ hành chính hóa” đội ngũ trí thức mà trong số đó không ít người được dân gian gọi là “ sớm cắp ô đi, tối cắp về ”.

Vì sao lại có tình trạng “ trí thức một nửa ”? Có thể nêu một số nguyên nhân sau:

Trước hết là nguyên nhân chủ quan của người trí thức thuộc về “lỗ hổng” trong quá trình đào tạo: hầu hết sinh viên không được tham gia hoặc có công trình, đề tài nghiên cứu khoa học khi đang học tập và khi ra trường lại chỉ thi tốt nghiệp mà không được làm luận văn hoặc đồ án. Do đó họ thiếu hẳn một tư duy nhạy bén phát hiện vấn đề ngay trong thực tiễn và một phương pháp triển khai, lí giải hay một biến cải thực tiễn. Đó là còn chưa kể không ít trường hợp được làm luận văn hay đố án lại chủ yếu “sao chép”, “lắp ghép” từ trên mạng internet. Tất nhiên, cũng có cả những trường hợp “học giả mà bằng thật” tức là chỉ có “cái vỏ” trí thức, những ông cử, ông tiến sĩ “giấy”…

Nguyên nhân thứ hai là thiếu các kĩ năng phát hiện vấn đề và triển khai các ý tưởng nghiên cứu trong thực tiễn. Qua quan sát thấy không ít người đều không biết xác định một đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là rất lúng túng trong việc triển khai các trình tự kết cấu và phương pháp nghiên cứu. Thêm nữa, các kĩ năng như sử dụng ngoại ngữ, sử dung công nghệ thông tin, tham gia các diễn đàn hội thảo hay tạp chí khoa học… cũng còn nhiều bất cập nên đa số trí thức càng ngại tham gia hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ.

Nguyên nhân thứ ba là về công việc và môi trường làm việc. Chỉ có gần 66% số người được hỏi cho biết công việc đang làm là phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Mặt khác môi trường làm việc nhiều khi mang tính chất “hành chính”, sự vụ, tuyệt đối phải tuân theo qui định và hướng dẫn của cấp trên nên hoạt động của họ ngày càng trở nên cứng nhắc, khô cứng, càng khiến cho lòng đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ, hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến… ít có dịp được thể hiện, lâu dần không còn hứng thú nữa. Ngay cả việc tự nghiên cứu học tập, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn có tính chất “học thuật” hay tham gia các đề tài, hội thảo khoa học… cũng khó sắp xếp được thời gian.

Để có thể tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò đặc biệt quan trọng của người trí thức và đội ngũ trí thức, trước hết cần thấm nhuần và làm đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… những người trí thức đó ( tức là những người trí thức “một nửa” – NVM ) cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ có kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.

Lí luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lí luận.

Lí luận cũng như cái tên ( hoặc viên đạn ). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.

Lí luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để lòe thiên hạ thì lí luận ấy cũng vô ích.

Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành(3).

Cùng với sự tự thân phấn đấu vươn lên của bản thân người trí thức cũng cần có sự chăm lo, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi của tập thể cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu và của các cơ quan quản lí các cấp.

Đối với lãnh đạo tỉnh và Liên hiệp hội KHKT tỉnh, xin kiến nghị một số vấn đề sau:

- Tỉnh cần rà soát các chính sách hiện có và ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm bảo đảm cho trí thức được hưởng các quyền lợi chính đáng về vật chất cũng như tinh thần tương xứng với trình độ, năng lực và kết quả lao động sáng tạo của trí thức, nhất là về lương, điều kiện làm việc, chỗ ở và sinh hoạt. Xây dựng chính sách,cơ chế tập hợp trí thức trong tỉnh, đồng thời thu hút trí thức trong nước và nước ngoài. Trong dụng và tôn vinh những trí thức có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…Đổi mới công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, coi trọng phẩm chất, tài năng và những cống hiến của trí thức, không quá câu nệ vào bằng cấp, nên tổ chức thi tuyển cán bộ các cấp, các ngành, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Tỉnh nên khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ các Hội KH&CN chuyên ngành đã và sẽ có, trong đó có một phần kinh phí hoạt động. Hoạt động của các Hội khoa học sẽ giúp cho việc tập hợp đội ngũ trí thức, nhất là làm cầu nối giữa những người trí thức ở các cơ quan quản lí nhà nước thấu hiểu những bức xúc, đòi hỏi của cuộc sống nhưng lại thiếu thời gian và bị ràng buộc bởi cơ chế, với các trí thức ở các đơn vị sự nghiệp khoa học hoặc các trí thức đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và thời gian nghiên cứu nhưng lại thiếu tình hình thực tiễn.

- Tỉnh nên thiết lập và vận hành thường xuyên, hiệu quả việc trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề trong đời sống xã hội của tỉnh. Đó phải là các thông tin về các hoạt động chuyên sâu, đang bức xúc đòi hỏi tỉnh phải nghiên cứu và giải quyết ( hiện nay các loại thông tin này không dễ tìm hoặc xin được).

- Tỉnh mạnh dạn “đặt hàng” nghiên cứu, tổng kết hoặc yêu cầu Liên hiệp hội và các hội  thành viên tư vấn, phản biện về các vấn đề tỉnh quan tâm và có nhu cầu. Ủng hộ và tạo điều kiện cho các hội KH&CN chuyên ngành đăng kí và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức các cuộc Hội thảo, Tọa đàm khoa học. Trong vấn đề này, Liên hiệp các hội khoa học-kĩ thuật tỉnh có vai trò rất lớn: vừa là nơi tập hợp, đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết với tỉnh, vừa là nơi tập hợp các trí thức đang công tác và đã nghỉ hưu cùng cộng tác cho các đề tài khoa học. Mặt khác, Liên hiệp hội còn là “cầu nối”, là nơi tập hợp và phản ảnh những tâm tư, đề xuất của đội ngũ trí thức để tỉnh quan tâm giải quyết.

- Tỉnh cho phép các hội  được tiếp xúc và dự các cuộc làm việc tổng kết, sơ kết các vấn đề có tính chiến lược hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống nhân dân và xã hội như xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, giữ gín mội trường cảnh quan, qui hoạch hạ tầng cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị  ở các cấp chính quyền, xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh…Hàng năm, Liên hiệp hội cần tổ chức các chương trình nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho việc tìm hiểu và hình thành các ý tưởng nghiên cứu sáng tạo của trí thức…

Vài ý kiến tham gia về phát huy vai trò của trí thức và của Liên hiệp các hội KHKT nhân đọc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không người trí thức nào lại muốn mình là “trí thức một nửa mà phải là trí thức hoàn toàn”, rất mong mọi người cùng trao đổi.

                                                                                                                                                                                                                                               Nguyễn Văn Mão

                                         Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài

                                                                              Tỉnh Lâm Đồng

(1) và (3):Hồ Chí Minh toàn tập, “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10 năm 1947, tập 5, tr. 235-238.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, “Bài nói tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7 tháng 5 năm 1958, tập 9, tr. 173.

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển